Bình Dương “Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp”
Tình hình ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đã và đang được áp dụng rộng rãi. Đó là, hàng loạt giống lúa mới ngắn ngày cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh với mức chi phí đầu tư thấp; kỹ thuật nuôi cấy mô của các chuyên gia sinh học cũng đạt kết quả cao trong việc nhân giống khoai tây, giống hoa và một số loại cây trồng khác; tạo ra nhiều chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi… có hiệu quả cao trong sản xuất.
Trong những năm qua, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong sản xuất nông nghiệp được coi là một trong những giải pháp đột phá giúp xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người sản xuất trong điều kiện đất sản xuất đang bị thu hẹp dần.
Tình hình ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đã và đang được áp dụng rộng rãi. Đó là, hàng loạt giống lúa mới ngắn ngày cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh với mức chi phí đầu tư thấp; kỹ thuật nuôi cấy mô của các chuyên gia sinh học cũng đạt kết quả cao trong việc nhân giống khoai tây, giống hoa và một số loại cây trồng khác; tạo ra nhiều chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi… có hiệu quả cao trong sản xuất.
Tại tỉnh Bình Dương, CNSH đã được ứng dụng phổ biến vào các mô hình, dự án và đạt một số kết quả nổi bật như: Sử dụng các chế phẩm sinh học trong bón phân, xử lý đất trồng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh có hại; áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010 - 2012; … Trong đó, đã có một số mô hình, dự án đã đạt được những kết quả rất khả quan và từng bước nâng cao ý thức canh tác của nông dân theo hướng an toàn, bền vững, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường như:
- Mô hình nuôi gà thả vườn đảm bảo vệ sinh môi trường: Mô hình được triển khai tại các xã, thị trấn như Phước Vĩnh, Long Hòa, Tân Thành, Tân Lập, Trừ Văn Thố với quy mô 4.000 con và có 20 hộ tham gia (200 con/hộ). Các hộ tham gia mô hình đã được cấp giống gà Lương Phượng đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật về giống. Qua thời gian nuôi 8 - 10 tuần, gà sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng trung bình của gà xuất chuồng đạt 1,83kg/con (đạt yêu cầu kỹ thuật mô hình đề ra). Thông qua mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm theo định hướng chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
- Mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo: Mô hình này được triển khai tại xã Tân Hiệp (Phú Giáo) với quy mô 200m2/2 hộ, 100m2/ hộ. Qua thực hiện mô hình giúp đàn heo phát triển tốt, da lông bóng mượt, tạo một môi trường có khí hậu tốt, trong sạch không ô nhiễm; sự tác động của vi sinh vật có ích trong đệm lót lên men đã gây ra sự ức chế và tiêu diệt đối với vi trùng gây bệnh chuồng nuôi giúp giảm chi phí điện nước, thuốc thú y từ 200.000 - 300.000 đồng/con, chất thải chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, giảm 50% công lao động chăm sóc. Bên cạnh đó, đệm lót sau khi sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng rất tốt.
Mô hình nuôi heo bằng đệm lót sinh học
- Mô hình thâm canh cây tiêu theo hướng GAP: Mô hình được triển khai tại các xã An Thái, Phước Sang, Vĩnh Hòa với tổng diện tích 12ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và kỹ thuật thâm canh, chăm sóc và bón phân. Trong đó, biện pháp kỹ thuật được chú trọng trong mô hình trình diễn là ứng dụng chế phẩm sinh học nấm Trichodercma, phân hữu cơ sinh học, bón phân cân đối NPK và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu. Hiệu quả mô hình là vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất bình quân 3 tấn/ha, sản phẩm đạt chất lượng và an toàn.
- Mô hình thâm canh hành lá: Mô hình được triển khai tại xã Thạnh Hội (06ha) và phường Uyên Hưng (04 ha). Các hộ tham gia mô hình trình diễn được hỗ trợ giống, vật tư và kỹ thuật. Thông qua mô hình nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học cho bà con nông dân trong việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, xử lý giống trước khi trồng, sử dụng chế phẩm sinh học trong việc xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh đã đem lại hiệu quả như giảm sâu bệnh trong mùa mưa; cây sinh trưởng phát triển tốt, sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mô hình thâm canh hành lá tại xã Thạnh Hội, Tân Uyên
- Mô hình trồng nấm bào ngư xám: Mô hình được triển khai tại phường Mỹ Phước và xã Tân Hưng với quy mô 20.000 bịch phôi/400m2/4hộ (5.000 bịch phôi/100m2/hộ, giống bào ngư xám). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống và vật tư (mùn cưa, vỏ trấu…) và kỹ thuật trồng, chăm sóc. Trong đó, biện pháp kỹ thuật được chú trọng là ứng dụng chế phẩm sinh học trong quy trình sản xuất nấm. Qua quá trình chuyển giao, bà con tham gia hưởng ứng nhiệt tình bởi nấm là loại có nhiều ưu điểm như cho năng suất cao trên diện tích nhỏ, chi phí đầu tư thấp, nguyên liệu dễ tìm, nhanh thu hoạch…
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các viện, trường, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các chương trình dự án có năng suất chất lượng nhằm nhân rộng các mô hình đem lại hiệu quả cao, phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay; xây dựng mô hình ứng dụng phục vụ mở rộng quy mô áp dụng vào thực tiễn sản xuất để đảm bảo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Kim Loan