Nông dân tỉnh Bình Dương: Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất
Trong tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân: Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động xây dựng thương hiệu sản phẩm của nông dân đã được cấp nhãn hiệu tập thể như “Bưởi Bạch Đằng”, “Măng cụt Lái Thiêu”, nhãn hiệu “Bưởi Phương Uyên”, “Bưởi Thanh Thủy”, “Quýt đường Hiếu Liêm”… Nông dân được đầu tư thực hiện nhiều mô hình trồng rau ăn lá và rau ăn quả các loại áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn (VietGap), năng suất cao.
Thực hiện theo chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, sự chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến trong thời gian qua đã góp phần xây dựng và phát triển nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại.
Trong đó, tình hình sản xuất nông nghiệp về trồng trọt và chăn nuôi phát triển ổn định và có sự chuyển biến tích cực, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn phát triển đa dạng và phong phú với quy mô tăng về diện tích và có nhiều hình thức đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, đối với công tác chuyển giao công nghệ, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông, trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật, phòng kinh tế, Công ty Cấp thoát nước môi trường Bình Dương, Công ty Rau sạch miền Đông… Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổ chức 2.026 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hội thảo về sử dụng phân bón, chăm sóc vườn cây ăn trái; sử dụng nông dược an toàn; ứng dụng công nghệ tăng sản lượng mủ cao su; chăn nuôi heo, gà trại lạnh; trồng rau trong nhà lưới kín, lưới hở, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt; trồng và chăm sóc hoa lan, cây kiểng… có 95.413 lượt hội viên tham dự.
Trong tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân: Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động xây dựng thương hiệu sản phẩm của nông dân đã được cấp nhãn hiệu tập thể như “Bưởi Bạch Đằng”, “Măng cụt Lái Thiêu”, nhãn hiệu “Bưởi Phương Uyên”, “Bưởi Thanh Thủy”, “Quýt đường Hiếu Liêm”… Nông dân được đầu tư thực hiện nhiều mô hình trồng rau ăn lá và rau ăn quả các loại áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn (VietGap), năng suất cao.
Không những thế, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức 09 lớp bồi dưỡng kiến thức cho 1.215 cán bộ, hội viên nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ; hướng dẫn xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát hành 100 cuốn sổ tay kỹ thuật, quy trình và chăm sóc buởi theo hướng VietGap cho các hội viên; xây dựng 08 mô hình điểm về trồng rau trên giá thể; mô hình biogas sử dụng nguyên liệu lục bình; mô hình nuôi heo bằng đệm lót sinh học. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn triển khai 14 mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học công nghệ tại thị xã Bến Cát, Thuận An, Tân Uyên và huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo; tổ chức 02 hội thi “Nông dân ứng dụng công nghệ thông tin giỏi” tỉnh Bình Dương cho cán bộ cơ sở hội 09 huyện, thị xã, thành phố tham gia…
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân đã cùng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương vận động nông dân chung tay góp sức thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tuyên truyền bà con nông dân áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Ông Nguyễn Hữu Từ - Phó Bí thư Tỉnh ủy (trái) trao tặng Bằng khen của Chính phủ cho ông Võ Tuấn Kiệt, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một
Nhằm khuyến khích và tạo động lực cho nông dân thi đua sản xuất, nhân dịp Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Hội Nông dân khóa VIII, nhiệm kỳ 2013 - 2018 và kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2015), Hội đồng thi đua khen thưởng của tỉnh đã trao tặng Bằng khen của Chính phủ cho ông Võ Tuấn Kiệt, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một đã có thành tích về việc “Áp dụng mô hình kỹ thuật cao trong sản xuất đem lại hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc” và 59 cá nhân được nhận kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Trong giai đoạn phát triển mới, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Quang Vinh