Trồng tre điền trúc, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao
Với thành công bước đầu, từ diện tích 01 ha vào năm 2008, cho đến nay anh đã mở rộng diện tích lên 06 ha và cho thu nhập ổn định. Anh cho biết, "Trung bình 01 ha cho thu hoạch khoảng 250kg/ngày, với giá măng vào mùa khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, còn mùa nghịch có từ 25.000 - 28.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì bình quân cũng thu lợi cũng gần 01 tỷ đồng/năm".
Xuất thân trong một gia đình nhiều đời trồng cây ăn trái, với kinh nghiệm được tích lũy trong nhiều năm theo gót "Chân cha" trồng các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi tại tỉnh Đồng Tháp. Năm 1995, anh Nhị Văn Xum qua giới thiệu của một số người, anh đến ấp 2, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng để lập nghiệp và thành công với mô hình trồng tre điền trúc (còn gọi là lục trúc) lấy măng.
Trong thời gian đầu, anh thuê đất trồng các loại cây ăn trái có múi như cam, quýt..., đã cho kết quả khả quan, thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước. Với ý chí làm giàu của mình, năm 2007, qua tìm hiểu thông tin về mô hình trồng măng tre có hiệu quả của một số hộ trong khu vực và các tỉnh khác, anh đã mạnh dạn trồng "Thử nghiệm" với diện tích vài trăm mét. Qua nhiều lần thất bại trong việc chọn giống, anh đã tích lũy được kinh nghiệm và qua thông tin trên báo chí, bạn bè anh thử trồng tre điền trúc và nhận thấy đây là giống tre cho măng năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp từ điều kiện thổ nhưỡng cho đến khí hậu tại Trừ Văn Thố.
Anh Nhị Văn Xum tại mô hình trồng tre điền trúc
Với thành công bước đầu, từ diện tích 01 ha vào năm 2008, cho đến nay anh đã mở rộng diện tích lên 06 ha và cho thu nhập ổn định. Anh cho biết, "Trung bình 01 ha cho thu hoạch khoảng 250kg/ngày, với giá măng vào mùa khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, còn mùa nghịch có từ 25.000 - 28.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì bình quân cũng thu lợi cũng gần 01 tỷ đồng/năm".
Về kinh nghiệm trồng tre điền trúc, anh Xum cho biết, "Trồng măng tre cần đất riêng để không ảnh hưởng cây trồng khác như che bóng, rễ hút dinh dưỡng. Đất trồng tre cần có độ dày canh tác trên 50 cm, đất tơi xốp, giàu mùn, chủ động nước tưới, có thể ngập 01 - 02 ngày nhưng đất lại ráo. Trồng đúng kỹ thuật để cây bén rễ càng sớm càng tốt. Bón phân định kỳ bao gồm phân chuồng và phân “bao” đúng liều lượng và tăng giảm phân theo màu và độ rộng của phiến lá. Tưới nước thường xuyên kết hợp với bón phân hữu cơ và mùn làm cho đất xốp. Vun gốc tủ mùn là việc làm cần thiết nhưng hết sức thận trọng để tránh cho mụt măng nhỏ khỏi bị thối do nhiễm nấm và “ngạt”. Chỉ nên tủ đất và mùn tơi xốp dày từ 05 - 08 cm trước khi bụi tre đồng loạt ra măng để măng có màu trắng, non, ngọt hơn".
Mô hình trồng tre điền trúc
"Ngoài ra, cần đốn tỉa một cách hợp lý cũng như chừa lại 02 - 03 cây măng/bụi làm cây mẹ hàng năm. Bứng gốc các cây tre trên 03 tuổi - hết khả năng ra măng. Thu hoạch măng đúng cách để có măng ngon, nhiều và không tạo cơ hội nhiễm bệnh cho bụi tre. Sau khi thu hoạch hết măng, cào đất ra, tạo rãnh bón phân để “kéo” măng đi xuống giúp tăng sản lượng và chất lượng măng kỳ thu hoạch sau", anh chia sẻ thêm.
Để măng cho năng suất cao, anh còn tìm hiểu, nghiên cứu áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình trồng, nhân giống và thu hoạch. Hiện tại, toàn bộ diện tích trồng măng được anh áp dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hướng dẫn. Ngoài ra, anh còn chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp cây giống cho các hộ có nhu cầu, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Tre điền trúc (có nơi gọi là lục trúc) phân bố tự nhiên ở vùng Á nhiệt đới. Năm 1995 - 1996, Việt Nam nhập giống tre này từ Đài Loan đưa về trồng tại một số tỉnh ở phía Bắc, hiện đã dẫn giống vào các tỉnh phía Nam. Đây là loài tre chuyên lấy măng, dễ trồng, thích hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm. Tre điền trúc thân cây nhỏ, mọc tốt trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước, mật độ trồng thích hợp là 500 cây/ha. Măng tre điền trúc có chất lượng cao, hương vị thơm ngon, năng suất trung bình 5tấn/ha/năm, khai thác măng khi còn nằm dưới mặt đất. Thân cây tre điền trúc có sợi dài nên dùng làm nguyên liệu giấy khá tốt.
Nhung Phạm