Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015 (Phần II)
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ, nhằm tạo ra sản phẩm mới; công nghệ mới, vật liệu mới; đổi mới, cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
3. Ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động KH&CN
Nhằm đẩy mạnh hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, đề án, dự án KH&CN trọng điểm, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hoạt động trong các lĩnh vực KH&CN, cụ thể như sau:
3.1. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN
3.1.1. Mục tiêu
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ, nhằm tạo ra sản phẩm mới; công nghệ mới, vật liệu mới; đổi mới, cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
3.1.2. Kết quả
Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp tối đa không quá 30% tổng kinh phí chi cho việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ tại doanh nghiệp. Đã hỗ trợ thực hiện 18 nhiệm vụ KH&CN, với tổng kinh phí 8.496 triệu đồng. Hiện nay, chương trình đang được xem xét để chuyển sang hình thức hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với tổ chức KH&CN, nhà khoa học và các tổ chức khác để xác định, thực hiện nhiệm vụ KH&CN phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Các nhà khoa học đã giúp cho doanh nghiệp thiết kế, chế tạo một số máy móc, thiết bị có tính năng tương tự của máy nhập ngoại, nhưng giá thành rẽ hơn, như nghiên cứu chế tạo một số máy móc, thiết bị của dây chuyền công nghệ đóng gói thuốc bột và thuốc nước; Hệ thống thiết bị sấy thăng hoa; Thiết kế, chế tạo lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời.
3.2. Chương trình doanh nghiệp hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ
3.2.1. Mục tiêu
Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập, để ngày càng có nhiều doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình trên cơ sở phát triển chất lượng hàng hóa và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ và quảng bá thương hiệu.
3.2.2. Kết quả
Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015, đến nay tỉnh đã hỗ trợ 525 triệu đồng cho 162 tổ chức, cá nhân thực hiện. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 1.920 văn bằng sở hữu công nghiệp (trong đó có 1.808 nhãn hiệu, 04 nhãn hiệu tập thể, 110 kiểu dáng công nghiệp, 01 giải pháp hữu ích, 12 sáng chế) cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện dự án phát triển tài sản trí tuệ: Nhân rộng mô hình bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ từ kết quả của 02 dự án Xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) Sơn mài Bình Dương, NHTT Bưởi Bạch Đằng cho 04 tổ chức áp dụng.
Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường công tác quản lý, duy trì, bảo tồn và phát triển giá trị tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân của các địa phương; các cơ quan quản lý rất quan tâm đến các sản phẩm do ngành quản lý, do vậy khi xây dựng chiến lược phát triển các ngành đều đưa vào danh mục nội dung bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vào chương trình.
3.3. Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Dương
3.3.1. Mục tiêu
Tạo bước chuyển biến về năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong tỉnh (đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ chủ lực), từng bước cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế dựa trên cơ sở nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Xây dựng phong trào năng suất chất lượng thông qua việc xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng kết hợp với áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng hiện đại, đổi mới công nghệ,…
Nâng cao nhận thức, năng lực cải tiến của các doanh nghiệp trên địa bàn về năng suất và chất lượng.
Xây dựng đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng và các tổ chức đánh giá sự phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Dự án thực hiện các hoạt động năng suất chất lượng.
Nâng cao mức chất lượng của nhóm sản phẩm điện - điện tử, cơ khí phù hợp theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
3.3.2. Kết quả
Có 15 Công ty tham gia áp dụng các công cụ năng suất chất lượng (như 5S, QCC, 7 công cụ, Kaizen, GHK, TQM, Lean, 6σ và các công cụ khác), trong đó:
- 10 Công ty được trao tặng giải thưởng chất lượng Quốc gia và Châu Á Thái Bình Dương (01 giài Châu Á Thái Bình Dương, 05 giải vàng và 04 giải bạc)
- 05 Công ty tham gia áp dụng các công cụ năng suất chất lượng (trong đó 03 Công ty tham gia dự án kinh phí hỗ trợ của tỉnh và 02 Công ty tham gia dự án kinh phí hỗ trợ của Bộ KH&CN) kết quả áp dụng các công cụ năng suất mang lại hiệu quả cao so với thuyết minh dự án ban đầu nhưng làm tăng năng suất lao động; giảm thiểu lãng phí, tiết kiện nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng trưởng doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
3.4. Thành lập Qũy phát triển KH&CN của tỉnh và doanh nghiệp
Nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn các sản phẩm nghiên cứu khoa học với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ứng dụng và đổi mới công nghệ, góp phần đưa các sản phẩm KH&CN vào cuộc sống. Sự ra đời của Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh năm 2007, góp phần đa dạng hóa việc huy động nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng KH&CN.
Tính đến nay tổng vốn hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh được ngân sách cấp là 15.966 triệu đồng, trong đó:
Hoạt động cho vay: Đến nay Quỹ đã giải ngân theo tiến độ đầu tư của 12 dự án với tổng số tiền là 19.255 triệu đồng trên tổng số 20.000 triệu đồng đã được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt.
Hoạt động hỗ trợ: Ký kết 26 hợp đồng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó: Đã nghiệm thu, thanh lý 22 hợp đồng với tổng số tiền là 289 triệu đồng.
Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Đã có 06 doanh nghiệp thành lập Quỹ Phát triển KH&CN với số trích quỹ hơn 408 tỷ đồng. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng còn thấp.
4. Hoạt động của tổ chức KH&CN và doanh nghiệp KH&CN
Trên địa bàn tỉnh có 27 tổ chức KH&CN (trong đó có 06 tổ chức công lập, 21 tổ chức ngoài công lập), tổng số nhân lực là 306 người, gồm 24 tiến sĩ (7,8%), 59 thạc sĩ (19%), 113 đại học và cao đẳng (43%), trung cấp (3,2%), trình độ khác (6,5%). Các tổ chức KH&CN đã tham gia một số hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống. Tuy nhiên các đóng góp của tổ chức KH&CN cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh trong các năm qua vẫn còn ít, chủ yếu là thực hiện các hoạt động dịch vụ tạo nguồn thu duy trì hoạt động của các tổ chức, tổng số nhiệm vụ tham gia từ năm 2011 - 2015 là 15 nhiệm vụ.
Có 03 doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm; sấy nông, lâm sản; gốm sứ, hoạt động trên cơ sở sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do chính doanh nghiệp tạo ra. 03 doanh nghiệp này hoạt động tốt, ổn định có khả năng phát triển.
5. Đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế thông qua chỉ số yếu tố năng suất tổng hợp (TFP)
TFP phản ánh hiệu quả của các nguồn lực được sử dụng vào sản xuất, hiệu quả do thay đổi công nghệ, trình độ tay nghề của nhân công, trình độ quản lý... Theo tính toán của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số TPF cho thời kỳ 5 năm 2010 - 2014 như sau:
Qua kết quả tính toán cho thấy, TFP có tỷ lệ đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nếu như năm 2010 - 2011, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế dưới 20%, thì từ năm 2012 - 2014, tốc độ tăng TFP ngày càng nhanh, đóng góp của tăng TFP của năm sau tăng nhanh hơn năm trước, bình quân giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng của TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là 26,05%. Đây là yếu tố phản ánh đóng góp của KH&CN ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
6. Ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển KH&CN
Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN, từ đó hoạt động KH&CN đã có những chuyển biến tích cực, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa tỉnh nhà.
Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
UBND tỉnh phê duyệt Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Bình Dương.
Sau khi Luật KH&CN năm 2013 được ban hành, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ ban hành, UBND tỉnh đã vận dụng ban hành các quy định về quản lý; tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN; Quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN.
Hiện UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu để chuẩn bị ban hành các quy định về xác định; đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN; đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; kiểm tra, đánh giá thực hiện nhiệm vụ KH&CN; quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lãi suất vay vốn thực hiện đổi mới công nghệ; quản lý dự án KH&CN; quy định trình tự, thủ tục hỗ trợ nhiệm vụ KH&CN liên kết; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở KH&CN và cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND cấp huyện, qua đó từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tiên Vy