Đo lường sự thông minh của một đô thị: Chỉ số Đô thị thông minh (Smart Cities Index)
Ông Đào Trung Thành
Phó Giám đốc - Công ty Cổ phần Công nghệ
và Giải pháp MVV technologies
Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam có khoảng gần 800 đô thị lớn nhỏ, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 23% năm 1999 lên mức 35,7% vào năm 2015. Diện tích của các đô thị chỉ chiếm hơn 10% tổng diện tích cả nước song lại đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách (số liệu của Vụ Khoa học công nghệ, Bộ TT&TT).
Tuy số lượng đô thị tăng nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp đà phát triển của đô thị, xuống cấp nhanh dẫn đến những hậu quả như: Tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng nước thải, nước mưa, rác thải ô nhiễm môi trường… Nhiều đô thị đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, lựa chọn triển khai đô thị/thành phố thông minh (ĐTTM/TPTM) (Smart city) cho các khu đô thị này nhằm giải quyết các vấn đề nói trên.
Chủ trương phát triển ĐTTM tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ cách đây vài năm và chính thức được hiện thực hóa từ cuối năm 2015 bằng Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước với mục tiêu và nhiệm vụ “Triển khai ĐTTM ít nhất tại ba địa điểm theo tiêu chí do Bộ TT&TT hướng dẫn”. Đến tháng 12/2016, Văn phòng Chính phủ ra Công văn số 10384/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng: “Bộ TT&TT khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các tiêu chí đánh giá, công nhận ĐTTM và hướng dẫn các địa phương thực hiện.”
Cho đến nay, hàng loạt những dự án về ĐTTM tại Việt Nam đã được khởi động, với những địa phương như Quảng Ninh (8/2016), Kiên Giang (Huyện đảo Phú Quốc - 9/2016), Lâm Đồng (Tp Đà Lạt - 10/2016), Bình Dương (9/2016), Thanh Hóa (Tp Thanh Hóa - thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn - 9/2016), Hải Phòng (11/2016), Vĩnh Phúc (3/2017), Đăk Lăk (Thành phố Buôn Ma Thuột - 1/2017), Tiền Giang (Thành phố Mỹ Tho - 2/2017). Đặc biệt là TP. HCM với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước đang được kỳ vọng là thành phố thông minh, tạo ra những thay đổi cơ bản tại đây nếu không kể Đà Nẵng, hiện đang nổi bật trong cả nước 9 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index) và là thành phố đầu tiên trong cả nước xây dựng thí điểm mô hình ĐTTM dưới sự tư vấn của hãng công nghệ IBM.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ĐTTM đang lên cơn sốt ở Việt nam, cách hiểu và cách tiếp cận của giới học giả, chuyên gia, các hãng tư vấn công nghệ, các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ khác nhau và dẫn đến sự hoang mang cho người đọc và cả những lãnh đạo ra quyết định. Theo như một giai thoại mà TS. Nguyễn Trọng - Nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, cố vấn Hội Tin học TP. HCM kể trong Hội thảo Smart Cities 360 - Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh ngày 19/09/2017 tại TP. Hồ Chí Minh thì trong một buổi họp của Hội Tin học TP. HCM, một lãnh đạo cấp cao thành phố nay công tác ở Trung ương cũng nói: “Người ta nói nhiều về ĐTTM mà tôi không hiểu nó là gì.”
ĐTTM là gì? Cụ thể hơn là: Cấu trúc cơ bản của một ĐTTM gồm những gì? Để tạo nên cấu trúc đó thì chúng ta phải làm những việc gì, làm như thế nào, tốn kém ra sao và cuối cùng thì người dân được gì trong những ĐTTM ấy? Phải chăng người dân sẽ hết lo ngập úng, hết lo ách tắc giao thông, hết lo nạn thực phẩm bẩn.
Trong một bài báo có tựa đề “The Spectrum of Control: A Social Theory of the Smart City”, hai nhà khoa học xã hội Jathan Sadowski và Frank Pasquale nằm trong số các nhà bình luận xã hội tỏ ra ngờ vực hiện tượng phát triển ĐTTM và chỉ trích thuật ngữ “Đô thị thông minh” được xác định theo cách hiểu quá rộng. Họ cho rằng các tập đoàn công nghệ lớn đang cố gắng khuếch trương mô hình thành phố lý tưởng và tìm cách lôi kéo các nhà lãnh đạo thành phố cùng các nhà đầu tư nhập cuộc, mở ra thị trường mới. Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt và đầu tư lớn trên thế giới như hiện nay, thuật ngữ “Đô thị thông minh” khá mơ hồ và quá nhiều cách hiểu.
Mặc dù công nghệ thông minh, phương tiện thông minh, dịch vụ thông minh, hệ thống thông minh… rất quan trọng, nhưng để có thể kết nối tất cả các thành tố trên thành một hệ thống chỉnh thể, vận hành nhịp nhàng, phối hợp hiệu quả thì cần phải có tiêu chuẩn. Do đó cần xây dựng một khung tiêu chuẩn từ tiêu chuẩn kỹ thuật; tiêu chuẩn về dữ liệu; tiêu chuẩn quản lý tạo ra một khuôn khổ giao tiếp chung, các thành tố khác nhau đều có một định dạng kết nối chung.
Đến nay ISO đã có các tiêu chuẩn cụ thể về ĐTTM như ISO 37120, ISO/TR 37150, ISO 37101, ISO 37102, ISO/TR 37121, ISO 37151, ISO 37152… tập trung vào việc định hình và phát triển bền vững cộng đồng, đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng. Ở Việt Nam, chúng ta cần nhanh chóng triển khai xây dựng một số TCVN cụ thể trong năm 2017 và trong giai đoạn 2017-2020 như TCVN TC 268 về cộng đồng và thành phố bền vững, TCVN TC 268/SC 1 về Hạ tầng cộng đồng thông minh.
Khi các ĐTTM được triển khai, cần phải theo dõi tiến độ, không chỉ theo thời gian mà còn giữa các thành phố để đánh giá hiệu quả so sánh của việc thực hiện các hạng mục công việc, các yếu tố cấu thành của một ĐTTM. Điều này sẽ cần những dữ liệu, những biện pháp lượng hóa cho phép các đô thị/thành phố:
1. So sánh với nhau trong nhiều yếu tố và khía cạnh giúp các địa phương cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy các đô thị/thành phố hoạt động hiệu quả hơn
2. So sánh với chính nó theo thời gian nhằm đánh giá một đô thị/thành phố đã phát triển như thế nào qua nhiều năm.
Một biện pháp đo lường như vậy sẽ nhất thiết bao gồm một bộ các chỉ số (Index) đại diện cho các khía cạnh khác nhau của nhu cầu của người dân hưởng thụ dịch vụ. Bộ chỉ số như vậy có thể khác nhau và rất khó để đạt đến một bộ chỉ số thống nhất được sử dụng. Điều này được chứng minh trên thực tế là đã có hơn 200 hệ thống xếp hạng đô thị trên toàn cầu. Tuy nhiều cách thức xếp hạng khác nhau nhưng các bộ chỉ số là một ý tưởng tốt vì nó cung cấp một phương pháp mạnh mẽ so sánh các đô thị với nhau theo các tiêu chí khác nhau.
Hiện nay hàng năm các cơ quan, tổ chức của Việt Nam cũng như quốc tế công bố nhiều loại chỉ số khác nhau nhằm giúp đánh giá một cách khách quan nhất tình hình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương như: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index; Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PAPI; Chỉ số Thương mại điện tử EBI; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index). Do đó nhu cầu có một Chỉ số đánh giá mức độ thông minh của đô thị ở Việt Nam, Chỉ số Vietnam Smart Cities Index là cần thiết.
Một số lợi ích của các bên liên quan đến dự án ĐTTM được nêu khái quát trong bảng dưới đây:
Bên liên quan
|
Lợi ích
|
Chính phủ
|
- Khả năng đánh giá hiệu quả của dự án
- Khả năng giám sát tác động của đầu tư và xác định nhu cầu trong tương lai
- Xác định những cải tiến cần thiết của các dự án và lập kế hoạch cho tương lai
- Khả năng quyết định các ưu tiên tài chính và các hành động cụ thể với các dự án tại các địa phương
- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để có phương án thực hiện hiệu quả hơn
- Thông báo cho công dân của mình một cách rõ ràng về cách xếp loại và đảm bảo sự tham gia nhiều hơn từ phía công dân
- Có động lực thu thập, biên soạn và duy trì cơ sở dữ liệu đô thị
|
Công dân
|
- Được cung cấp thông tin về tình trạng của các thành phố một cách đơn giản và rõ ràng, qua đó cho phép họ yêu cầu các dịch vụ được cải thiện và chất lượng cuộc sống tốt hơn.
- Khuyến khích họ tham gia có ý nghĩa với chính quyền địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Tìm kiếm các cơ hội làm việc và sinh sống dựa trên tiêu chí xếp hạng đô thị thông minh
|
Nhà đầu tư
|
- Có cơ sở khoa học để quyết định địa điểm tốt nhất cho các khoản đầu tư của họ
- Đánh giá rủi ro tốt hơn và có biện pháp giảm trước khi thực hiện đầu tư
- Giúp họ đàm phán tốt hơn với các thành phố trước khi quyết định đầu tư
|
Sinh viên
|
- Có khả năng đưa ra quyết định về nơi nên theo học tập trong tương lai và tìm kiếm việc làm
|
Người già
|
Có khả năng đánh giá các đô thị và quyết định nơi sinh sống lúc về già.
|
Để xây dựng Chỉ số này, có thể tham khảo các Chỉ số trên thế giới như
- Smart Cities Council (https://smartcitiescouncil.com)
- European Union Smart Cities (http://www.smart-cities.eu)
- ISO 37120 - Chỉ số dịch vụ đô thị và chất lượng sống (https://www.iso.org)
Hoặc các chỉ số của các Quốc gia như Indian Smart Cities Index của Ấn độ, UK Smart Cities Index của Anh, …
Theo khung xếp hạng của Smart Cities Council thì có 52 chỉ số (indicators), của European Union Smart Council có 74 chỉ số và ISO 37120 có 92 chỉ số. Các chỉ số này được nhóm thành từng nhóm gọi là các đặc trưng (characteristics). Theo khung tham chiếu European Union Smart Cities có 6 đặc trưng như sau: Cuộc sống thông minh (Smart living), Môi trường thông minh (Smart Environment), Di động thông minh (Smart Mobility), Quản trị thông minh (Smart Governance), Công dân thông minh (Smart People), Kinh tế thông minh (Smart Economy).
Hình 1: các đặc trưng của một Đô thị thông minh theo Chỉ số xếp hạng European Union Smart Cities
Các đặc trưng lại gồm có nhiều nhân tố khác nhau như bảng sau đây:
Kinh tế thông minh (Smart Economy)
(Tính cạnh tranh)
|
- Tinh thần khởi nghiệp
- Tinh thần sáng tạo
- Thương hiệu, nhãn hiệu
- Năng suất
- Tính linh hoạt của thị trường
- Hội nhập quốc tế
- Khả năng chuyển đổi số
|
|
Công dân thông minh (Smart People)
(Vốn xã hội và vốn con người)
|
- Chất lượng bằng cấp
- Khả năng tự học suốt đời
- Tính đa dạng về văn hóa và chủng tộc
- Tính sáng tạo của cá nhân
- Tính năng động công dân
- Tham gia vào hoạt động cộng đồng
|
|
Quản trị thông minh (Smart Governance)
(Sự tham gia)
|
- Sự tham gia của công dân vào ra quyết định
- Dịch vụ công, dịch vụ xã hội
- Tính minh bạch
- Chính sách và tầm nhìn
|
|
Di động thông minh (Smart Mobility)
(Giao thông và hạ tầng CNTT)
|
- Truy cập phương tiện giao thông
- Kết nối với quốc tế
- Khả năng của hạ tầng CNTT
- Hệ thống giao thông an toàn, hữu hiệu và tiện lợi
|
|
Môi trường thông minh (Smart Environment)
(Tài nguyên thiên nhiên)
|
- Tính hấp dẫn của điều kiện tự nhiên
- Ô nhiễm
- Bảo vệ môi trường
- Quản lý tài nguyên bền vững
|
|
Cuộc sống thông minh (smart living)
(Chất lượng sống)
|
- Tiện ích văn hóa
- Điều kiện y tế
- An toàn cá nhân
- Chất lượng nhà ở
- Tiện ích giáo dục
- Tính cố kết xã hội
|
|
Hình 2: Các yếu tố của 6 đặc trưng trong một ĐTTM
Chúng ta có một bảng xếp hạng 20 thành phố thông minh hàng đầu ở Châu Âu như sau:
Hình 3: Top 20 đô thị/thành phố thông minh ở Châu Âu (theo xếp hạng của Chì số European Union Smart Cities)
Với từng đặc trưng (characteristics) sẽ có các yếu tố (factors) và các chỉ số đo lường (indicators). Ví dụ theo Chỉ số xếp hạng Smart Cities Index của Ấn độ thì yếu tố Kinh tế thông minh (Smart Economy) có 05 yếu tố và 05 chỉ số đo lường như sau:
Yếu tố
|
Chỉ số
|
Nội dung đo lường
|
Nguồn tham chiếu
|
Việc làm
|
Tỷ số thất nghiệp
|
Mức độ thất nghiệp của cư dân thành phố
|
- Smart Cities Council
- European Union Smart Cities
- ISO 37120
|
Năng suất
|
GDP
|
Thu nhập đầu người
|
- Smart Cities Council
- European Union Smart Cities
|
Công bằng
|
Phân phối thu nhập
|
Mức độ phân bố giàu nghèo
|
- Smart Cities Council
- European Union Smart Cities
- ISO 37120
|
Tinh thần khởi nghiệp
|
Tỷ lệ tăng trưởng doanh nghiệp mới
|
Tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp mới hàng năm trên 100.000 dân
|
- European Union Smart Cities
- ISO 37120
|
Bình đẳng giới
|
Sự tham gia của phụ nữ
|
Tỷ lệ phần trăm phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động
|
- Chỉ số do Ấn độ xây dựng
|
Hình 4: Bảng các yếu tố và chỉ số đo lường của đặc trưng Kinh tế thông minh theo Chỉ số xếp hạng Smart Cities Index của Ấn độ
Xây dựng một chiến lược toàn diện là một trong những tiêu chí được đánh giá trong Chỉ số Chiến lược Đô thị Thông minh (Smart Cities Strategy Index). Điều này có nghĩa là phải xem xét tất cả các lĩnh vực hoạt động và phát triển một cách hệ thống các yêu cầu cơ bản về cơ sở hạ tầng, các nền tảng đặc trưng cho một đô thị thông minh. Nó cũng có nghĩa là cần một sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan như: Chính phủ, công dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đảm bảo ngân sách dành riêng, thường là rất tốn kém. Theo hãng tư vấn Roland Berger khi đánh giá chiến lược phát triển đô thị thông minh của 87 đô thị trên thế giới đã khuyến nghị các đô thị cần lưu ý những yếu tố quan trọng sau đây:
1. Đánh giá vai trò của đô thị và cách quản trị
Việc xây dựng đô thị thông minh cung cấp một cơ hội độc nhất cho chính quyền xem xét lại các điều khoản về dịch vụ và mức độ người dân tiếp cận của các dịch vụ đó. Mô hình "Thành phố như một dịch vụ" (city as a service) là một mô hình thích hợp. Ví dụ với dịch vụ cung cấp đổi mới lại hộ chiếu thì cơ quan quản lý sẽ có thông báo: "Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn khi hộ chiếu của bạn cần đổi mới " chứ không phải bắt người dân nhớ ngày hết hạn hộ chiếu của mình.
2. Cần nâng cao nhận thức của công dân trong thành phố và tranh thủ sự ủng hộ tất cả các bên liên quan
Xác định các bên liên quan, cũng như quyền lợi, nhu cầu của họ đối với dịch vụ mà đô thị thông minh sẽ cung cấp. Xây dựng một đô thị thông minh là vấn đề lớn cần sự ủng hộ của mọi người.
3. Tránh những giải pháp đơn lẻ, triển khai giải pháp phải đặt trong một bức tranh tổng thể và áp dụng các kinh nghiệm thành công (best practices)
Nhiều đô thị/thành phố tập trung vào giải pháp đơn lẻ và không phải là các giải pháp tích hợp. Nên suy nghĩ về toàn bộ lĩnh vực trong thành phố của bạn và đảm bảo rằng tính kết nối giữa các lĩnh vực khác nhau, tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành. Chủ động tìm kiếm các kinh nghiệm thực tiễn thành công ở nơi khác và áp dụng chúng.
4. Xây dựng một nền tảng dữ liệu tập trung
Cần xem xét các dữ liệu của thành phố ở các ban ngành riêng lẻ và có kế hoạch tích hợp, sử dụng trong một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn thành phố. Xây dựng trung tâm dữ liệu và cung cấp cho công chúng.
5. Đảm bảo an ninh dữ liệu và các cơ sở hạ tầng CNTT và IoT
Một thành phố thông minh dựa trên sự kết nối chặt chẽ và đa dạng từ nhiều nguồn dữ liệu cho nên rất dễ bị tổn thương do hoạt động tấn công từ bên ngoài. Vì vậy cần thiết lập một hệ thống bảo vệ dữ liệu, trung tâm xử lý ứng cứu an toàn thông tin của thành phố.
6. Thiết lập một ban chỉ đạo dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu thành phố
Công việc xây dựng ĐTTM là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của một thành phố nên đòi hỏi sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của lãnh đạo thành phố cũng như điều phối các ban ngành, đoàn thể, tổ chức cùng tham gia.
7. Sự kết hợp đa ngành trong thành phố thông minh sẽ dẫn đến những đột phá
Sự kết hợp giữa y tế và giáo dục có thể mang đến sự đột phá về chất lượng y tế trong hệ thống giáo dục và ngược lại, sự hoàn thiện về chất lượng y tế trong việc chia sẻ dữ liệu trong big data có thể giúp tối ưu hóa chất lượng giáo dục cho từng cá nhân học sinh; thầy cô giáo.
Sự kết hợp giữa giáo dục và báo chí - truyền thông - các cơ quan quản lý văn hóa có thể giúp tối ưu hóa các thông điệp sáng tạo, lành mạnh cho cộng đồng và ngược lại, giáo dục cũng có thể là cổng dữ liệu để truyền tin, truyền thông điệp.
Sự kết hợp giữa doanh nghiệp với trường đại học giúp rút ngắn thời gian đào tạo, đồng thời điều chỉnh định hướng đào tạo kịp thời, phù hợp với xu thế thị trường lao động.
Sự kết hợp giữa an sinh xã hội với trách nhiệm xã hội, quỹ phúc lợi xã hội của doanh nghiệp tạo nên những chuyển biến xã hội sâu sắc.