Góp ý tưởng để Bình Dương phát triển và hội nhập quốc tế
Nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh cho Bình Dương, ông Nghĩa cho rằng, chiến lược phát triển mới của tỉnh cần tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ, hình thành trung tâm công nghệ ứng dụng, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp gắn với công nghệ mới. Đồng thời, Bình Dương cần có những chính sách cụ thể để phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ thông qua Quỹ phát triển công nghệ tỉnh.
Nhằm góp phần cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương hoạch định chiến lược phát triển, UBND tỉnh đã cùng với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà đầu tư tổ chức trao đổi những ý tưởng mới, các nhóm giải pháp hữu hiệu tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng công nghệ mới, thu hút chất xám, phát triển công nghiệp phụ trợ, xây dựng thương hiệu… để phát triển Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại và hội nhập với quốc tế.
Đầu tư công nghiệp phụ trợ
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa (Chuyên gia tài chính, Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ), Bình Dương phát triển nổi bật nhờ chính sách thu hút đầu tư thuận lợi, giá đất và giá nhà rẻ, cơ sở hạ tầng tốt, dịch vụ tài chính và logistic tốt, gần thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Tuy nhiên, tại Bình Dương, việc chuyển giao công nghệ yếu kém, chưa tạo lập được nền tảng công nghiệp vững chắc, chưa phát triển được công nghiệp phụ trợ, trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước còn thấp, chưa tham gia được vào hệ thống phân phối toàn cầu, chưa hình thành được trung tâm tài chính hiệu quả.
Nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh cho Bình Dương, ông Nghĩa cho rằng, chiến lược phát triển mới của tỉnh cần tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ, hình thành trung tâm công nghệ ứng dụng, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp gắn với công nghệ mới. Đồng thời, Bình Dương cần có những chính sách cụ thể để phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ thông qua Quỹ phát triển công nghệ tỉnh. Ngoài ra, đóng góp ý tưởng về chính sách và biện pháp chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, ông Nghĩa chia sẻ: “Tỉnh có thể trực tiếp đàm phán với các tập đoàn công nghiệp nước ngoài để xin được liên doanh về công nghiệp phụ trợ, đánh đổi các ưu tiên khác để được nhượng quyền công nghiệp phụ trợ và tham gia vào chuỗi giá trị của tập đoàn công nghiệp nước ngoài lâu dài. Bên cạnh việc thu hút chất xám, tăng cường nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển, Bình Dương cần phát triển hệ thống tài chính hỗ trợ, giảm thiểu các thủ tục hành chính và duy trì chính sách nhất quán, môi trường đầu tư minh bạch, tạo lòng tin đối với các nhà sản xuất chính”.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao
Cùng chung quan điểm trên, GS.TSKH Đặng Hùng Võ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Để tìm động lực mới, có ba việc Bình Dương cần làm như sau: Một là tạo kết nối “không khoảng cách” với TP.HCM và những đầu mối giao thông quan trọng trong vùng; hai là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tập trung vào những ngành kinh tế sẽ phát triển mạnh của tỉnh; ba là phát triển hạ tầng hiện đại về công nghệ thông tin và thông tin, phục vụ cho phát triển sản xuất và dịch vụ chất lượng cao cũng như phục vụ cải cách thể chế và đổi mới phương thức quản lý”.
Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được các chuyên gia đánh giá là động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây chính là yếu tố cơ bản để tạo ra năng suất, sản lượng cao hơn, đồng thời, chất lượng và giá trị gia tăng kết tinh hàm lượng chất xám trong sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng tốt hơn.
Vì vậy, để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập với thế giới, Bình Dương cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. “Bình Dương có thể đưa ra các chính sách cải cách giáo dục, gắn mục tiêu đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh với yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Vấn đề là đừng đào tạo trải rộng mà hãy tập trung vào một số ngành đặc thù, gắn với công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao” - ông GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Chiến lược định vị thương hiệu
“So với một số tỉnh thành ở Việt Nam, Bình Dương là tỉnh có một số lợi thế cạnh tranh nhất định. Việc biến lợi thế cạnh tranh này thành các điểm khác biệt thương hiệu để thu hút cả các nhà đầu tư và khách du lịch cần có các bước triển khai bài bản và chuyên nghiệp” - ông Nguyễn Đức Sơn (Giám đốc Chiến lược Công ty Richard Moore Asscociates) chia sẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, Đà Nẵng và Bình Dương là 02 địa phương đạt được những thành công ấn tượng trong quy hoạch phát triển đô thị. Thông qua quá trình quy hoạch lại và sử dụng quỹ đất để tự đầu tư phát triển, Đà Nẵng đã tạo dựng được hình ảnh khuôn mẫu của một “thành phố đáng sống”. Trong khi đó, cùng với thể chế quản lý nhằm tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh, Bình Dương đã đi theo hướng đô thị hóa gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.
Với chính sách “trải thảm đỏ thu hút vốn đầu tư”, Bình Dương đã huy động hiệu quả vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là vốn FDI. Tính đến 31/3/2015, Bình Dương đã vươn lên là một trong 05 tỉnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư FDI vào Bình Dương lên 20,7 tỷ USD vốn đăng ký với 2.449 dự án. Tại Bình Dương đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư. Điểm nhấn trong thu hút FDI là phần lớn các dự án của các tập đoàn lớn trên thế giới tập trung vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao, điện gia dụng, dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng cao cấp, các dịch vụ cao cấp và bất động sản.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi và thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như giúp cán bộ quản lý giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết, thụ lý các thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công. Đồng thời triển khai sử dụng phần mềm một cửa, với các tiện ích hỗ trợ như: Tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng Internet, tin nhắn SMS; nhận hồ sơ trực tiếp qua mạng Internet…
“Bình Dương đã có các nguyên liệu tốt, việc cần làm là chế biến một món ăn vừa ngon mắt vừa hấp dẫn. Và công cụ để chế biến món ăn này chính là một chiến lược định vị thương hiệu có tính cạnh tranh cao…Tỉnh Bình Dương cần xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và xây dựng một kế hoạch truyền thông thương hiệu để kích hoạt và giới thiệu bộ nhận diện ở trên” - ông Nguyễn Đức Sơn khẳng định.
Theo các nhà nghiên cứu, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ba trụ cột cơ bản là: Áp dụng công nghệ mới, phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do vậy, các ý tưởng nói trên là những trao đổi, chia sẻ về hướng đi, cách làm mới, góp phần cùng chính quyền tỉnh Bình Dương hoạch định chiến lược phát triển, hình thành những nhóm giải pháp hữu hiệu để bổ sung vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo động lực để Bình Dương tiếp tục phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn và bền vững của các nhà đầu tư.
Thanh An