Hình thành hệ sinh thái số của ngành thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 -2025
Với quan điểm, kiểm soát việc liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các tài nguyên công nghệ thông tin trên cơ sở sử dụng các nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan; dữ liệu số luôn được cập nhật, nâng cao chất lượng khi triển khai các hệ thống thông tin, chia sẻ phục vụ ra quyết định chỉ đạo, điều hành và tạo ra các thông tin tham chiếu gốc, cung cấp cho nhiều nhóm đối tượng sử dụng thuộc lĩnh vực quản lý. Đồng thời, hình thành một không gian dứng dụng CNTT có tính cộng tác, đơn giản, lấy người sử dụng làm trung tâm, phục vụ đầy đủ các nhu cầu quản lý, thực hiện hành chính công vụ và chuyên môn, nghiệp vụ trên môi trường mạng.
Khai thác tối đa các dịch vụ công nghệ thông tin do các Bộ ngành khác đã triển khai, cung cấp dịch vụ và ưu tiên sử dụng các dịch vụ sẳn có, đã được kiểm chứng; chia sẻ các dịch vụ, dữ liệu của Bộ cho các bộ, ngành, địa phương khác.
Ngày 30/12/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện tính đổi mới, tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đạt được mục tiêu tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ điện toán đám mây; phát triển ứng dụng, dich vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có.
Có khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong các hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công thuận tiện theo phương thức số, mang lại giá trị gia tăng cho người dân; cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng; hoàn thiện kho dữ liệu số đáo ứng yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trong Bộ… Trong giai đoạn này, sẽ hình thành hệ sinh thái số trong Bộ, xây dựng thành công Bộ Thông tin và Truyền thông số.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đã đặt ra nhiệm vụ một số nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện môi trường pháp lý trong việc thực hiện đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo liên thông, tránh đầu tư trùng lặp; tiếp nhận, số hóa, lưu trữ và xử lý hồ sơ văn bản điện tử theo quy định; quản lý, vận hành, duy trì các hạ tầng số, nền tảng số, hệ thống thông tin; chế độ đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ chuyên trách; hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số từ việc kết hợp mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các mạng diện rộng, mạng nội bộ thành một hạ tầng khép kín, dự phòng lẫn nhau dần giảm phụ thuộc vào mạng internet đói với truy nhập nội bộ; quy hoạch các trung tâm dữ liệu; thực hiện tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng thông tin thành hạ tầng chuyển đổi số tập trung; chuyển đổi toàn bộ mạng lưới, hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin sang ứng dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (IPv6); xây dựng trung tâm điều hành, quản lý mạng giám sát mạng lưới đến từng nút mạng, lưu lượng truy xuất…
Từ các nhiệm vụ trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra các giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; thu hút nguồn lực công nghệ thông tin; thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế.
Thy Diễm