Tăng cường nhận thức về bảo hộ nhãn hiệu cho doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, trong năm 2014, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã xử lý 36 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, xử phạt vi phạm hành chính hơn 794 triệu đồng và tiêu hủy nhiều hàng hóa vi phạm. Có thể thấy, các doanh nghiệp của nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng hiện nay chưa nhận thức đúng về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu.
Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành nỗi lo của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đối với doanh nghiệp, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh, uy tín thương hiệu và mất thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ và có sự quan tâm tới việc xác lập tài sản trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh.
Chủ sở hữu thiếu quan tâm
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, trong năm 2014, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã xử lý 36 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, xử phạt vi phạm hành chính hơn 794 triệu đồng và tiêu hủy nhiều hàng hóa vi phạm. Có thể thấy, các doanh nghiệp của nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng hiện nay chưa nhận thức đúng về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu.
“Chúng tôi chưa nhận được đề nghị hỗ trợ từ các doanh nghiệp về bảo hộ nhãn hiệu mà chỉ giải quyết sau khi có khiếu nại, tố cáo. Có thể thấy ý thức về xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa có sự quan tâm để bảo vệ quyền lợi của chính doanh nghiệp” - ông Nguyễn Thành Danh chia sẻ.
Năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội nghị “Bảo hộ nhãn hiệu, lợi ích và sự cần thiết đối với doanh nghiệp” cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp tham gia tại hội nghị tỏ ra rất lúng túng khi được hỏi về các khái niệm “nhãn hiệu”, “thương hiệu”, “kiểu dáng công nghiệp”,…
Thương hiệu (Brand)
1. Khái niệm về thương mại, là tài sản vô hình
2. Hiện diện trong tâm trí người tiêu dùng
3. Doanh nghiệp xây dựng, người tiêu dùng chấp nhận
4. Xây dựng do hệ thống tổ chức của doanh nghiệp
5. Là phần “linh hồn” của doanh nghiệp
|
Nhãn hiệu (Trademark)
1. Khái niệm về luật pháp, là tài sản hữu hình
2. Hiện diện trên văn bản pháp luật
3. Doanh nghiệp đăng ký, cơ quan chức năng công nhận
4. Xây dựng dựa trên hệ thống pháp luật quốc gia
5. Là phần “thể xác” của doanh nghiệp
|
Cách phân biệt Thương hiệu (Brand) và Nhãn hiệu (Trademark)
Ông Nguyễn Thành Danh cho rằng “Nếu không có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp - chủ sở hữu công nghiệp thì khó mà thực thi các quyền về SHTT, nhất là trong trường hợp chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp không yêu cầu xử lý”.
Ông Đỗ Ngọc Quang - đại diện công ty Vina CHG hướng dẫn khách hàng phân biệt sản phẩm thật giả tại hội nghị “Bảo hộ nhãn hiệu, lợi ích và sự cần thiết đối với doanh nghiệp”
Một số giải pháp cho doanh nghiệp
Hiện nay, việc sản xuất, lưu thông hàng giả ngày càng phát triển cả về trình độ và quy mô, với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Để chủ động phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT hiệu quả, các doanh nghiệp cần xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để xác lập quyền sở hữu với sản phẩm của doanh nghiệp mình. Đây là một trong những yêu cầu cần thiết, trực tiếp bảo vệ lợi ích cho chính các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ và được công nhận thì nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo vệ về mặt pháp lý. Cụ thể từ Điều 58 đến Điều 156 của Luật Sở hữu trí tuệ Số: 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội đã quy định rõ về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, chuyển nhượng sở hữu công nghiệp…
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương trình bày về “Kết quả chống hàng giả và xâm phạm về SHTT năm 2014” trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thành Danh, bên cạnh việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, các doanh nghiệp có thể sử dụng các loại tem chống giả có tính năng đặc biệt sử dụng công nghệ hiện đại như: Công nghệ nước, công nghệ nhiệt, công nghệ phát sáng, công nghệ điện tử, tem hologram 3DF 3 chiều… Mặt khác, có thể sử dụng thừa phát lại xây dựng chứng cứ trong giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là đối với các chứng cứ trên các trang thông tin điện tử…
Bà Ngô Phương Trà, đại diện văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. HCM cho rằng: “Từ kinh nghiệm thực tiễn, việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, sở hữu công nghiệp đã bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, các phát minh, sáng kiến của nhiều tác giả trong sở hữu công nghiệp. Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa và tự vệ hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, cũng như giải quyết các tranh chấp”.
Như vậy, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp có được một vị thế cạnh tranh lành mạnh, vững chắc trong nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường. Muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời ngăn chặn tình trạng xâm phạm bất hợp pháp quyền SHTT, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức và quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Đây là phương thức doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp trên thị trường./.
Huyền Thương