Thị xã Thuận An: Triển khai hiệu quả Nghị quyết 20
Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), trong thời gian qua với việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của thị xã Thuận An.
Triển khai các Đề tài, Dự án gắn với thực tiễn
Những ngày này chúng tôi có dịp ghé về thị xã Thuận An, đi ngang qua vườn cây ăn trái tại phường An Thạnh; Hưng Định; Bình Nhâm; xã An Sơn. Tuy không còn là “Thời kỳ vàng son” của trái cây Lái Thiêu như trước đây nhưng bà con vẫn tiếp tục chăm sóc và giữ vườn cây cho các thế hệ sau. Với việc thị xã Thuận An triển khai thực hiện các đề tài, dự án như “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương”. Qua Dự án “ Đầu tư cải tạo và nâng cao hiệu quả vườn cây ăn quả khu vực 06 xã, phường ven sông Sài Gòn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư đã thực hiện 05 mô hình (tỉa cành tạo tán, bón phân và kỹ thuật bón phân, bảo vệ thực vật, mật độ, trồng mới) trên 30 điểm vườn với quy mô diện tích 11,8ha… đã góp phần giữ diện tích vườn cây ăn trái và nâng cao chất lượng măng cụt của Thuận An.
Bà Lê Thị Kim Hương (khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm) chia sẻ, trong thời gian gần đây măng cụt giảm năng suất do ảnh hưởng thời tiết, môi trường…, có nhiều hộ đã phá vườn hoặc chuyển sang trồng các cây ăn trái khác. Với việc thị xã triển khai các dự án về nông nghiệp, đã giúp cho việc cải tạo, chăm sóc vườn cây ăn trái, nhất là măng cụt được tốt hơn.
Ông Trương Công Thạch - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Thuận An cũng cho biết, hầu hết trên 10 xã, phường trong thị xã đã ứng dụng giống mới trong kỹ thuật trồng lan cắt cành, kỹ thuật và giống mới nuôi cá kiểng và giống mới nuôi cá dĩa bông xanh, ứng dụng chế phẩm sinh học Wegh kết hợp với phytoxin và nấm Trichoderma để giảm 50% lượng phân hóa học trên các cây trồng ngắn ngày, dài ngày… Ngoài ra, việc áp dụng KH&CN của các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, môi trường… cũng phát huy hiệu quả.
“Các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục nhân rộng như Ứng dụng phần mềm Chương trình Quản lý ngân sách được xây dựng nhằm kết hợp cùng với hệ thống TABMIS hỗ trợ đầy đủ các quy trình nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý, điều hành và quyết toán ngân sách nhà nước cho cơ quan tài chính các cấp, một cách đầy đủ, nhanh chóng, chính xác; đồng thời cung cấp các báo cáo đáp ứng công tác điều hành và quyết toán của địa phương”, ông Thạch cho biết thêm.
Đẩy mạnh, tăng cường hoạt động KH&CN
Có thể nói, bên cạnh hiệu quả của việc áp dụng KH&CN vào các lĩnh vực thì vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN còn thực hiện chậm; thị trường hoạt động KH&CN trên địa bàn thị xã Thuận An tuy có phát triển, nhưng vẫn còn chậm, quy mô nhỏ. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ còn hạn chế; đội ngũ cán bộ chuyên môn trong các lĩnh vực còn khó khăn, thiếu kinh phí để hoạt động…
Thông qua các chính sách và hỗ trợ về KHCN đã giúp cho các nhà vườn ở thị xã Thuận An tiếp tục chăm sóc vườn cây, góp phần vào phát triển KT-XH chung của thị xã
Do đó, để hoạt động KH&CN phát huy tiềm lực, thị xã Thuận An sẽ tập trung triển khai các chương trình, đề án trọng điểm phục vụ phát triển KTXH của thị xã một cách bền vững. Thực hiện chính sách xã hội hóa trong KH&CN như vận động và hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp KH&CN; thực hiện cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh…
“Thị xã cũng tiếp tục triển khai các đề tài ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước để hoàn thiện mạng thông tin tại Văn phòng HĐND - UBND thị xã, Văn phòng Thị ủy, các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các UBND xã, phường. CNTT phục vụ hoạt động quản lý, tuyên truyền sản xuất kinh doanh cho các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp…”, ông Thạch nói.
Đồng thời, tăng cường nguồn nhân lực KH&CN từ việc phát triển nhân lực cán bộ tham gia ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực quản lý; xây dựng mạng lưới cộng tác viên KH&CN tới cơ sở, tạo tiền đề cho việc chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KH&CN và tiếp nhận thông tin KH&CN chuyển giao cho cơ sở và vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tích cực ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống.
Thị xã Thuận An cũng sẽ tiếp tục phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh quá trình xây dựng công nghiệp cơ bản, công nghiệp phụ trợ; phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực và các sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường và coi đó là biện pháp, là động lực phát triển KTXH. Đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động KH&CN theo hướng kết quả các đề tài, dự án được đặt hàng phải gắn với thực tiễn và thiết thực phục vụ cho sản xuất, đời sống và quản lý…
Hoàng Đăng